
Lãnh đạo các Ban, ngành tham gia cắt băng khai trương khai mạc Triển lãm ảnh, sách, tư liệu, mỹ thuật chào mừng Lễ hội Hoa phượng đỏ năm 2017 Tài liệu lưu trữ là một nguồn tri thức vô cùng phong phú, ghi lại những sự việc đã từng xảy ra, để lại dấu ấn một thời quá khứ. Với ý nghĩa, vai trò to lớn của tài liệu lưu trữ, nhà nước ta đặc biệt quan tâm và chú trọng đến công tác bảo quản an toàn và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ. Chính vì vậy, ngày 02/3/2007 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 05/2007/CT - TTg về tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; năm 2011, Quốc hội ban hành Luật lưu trữ số 01/2011/QH13 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2012, đã tạo điều kiện cho việc khai mở những nguồn tài liệu bấy lâu chưa công bố để giúp ích cho việc tìm hiểu quá khứ rõ ràng hơn, chính xác hơn; nhờ đó phục vụ hiện tại và tương lai hiệu quả hơn, thiết thực hơn. Việc ban hành Luật giúp tạo khung pháp lý cao nhất về lưu trữ, tạo điều kiện cho công tác lưu trữ phát triển, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính góp phần giữ gìn và phát huy di sản quý giá của dân tộc cho muôn đời sau.
"Tài liệu lưu trữ là tài liệu có giá trị phục vụ hoạt động thực tiễn, nghiên cứu khoa học, lịch sử được lựa chọn để lưu trữ" (Luật lưu trữ).
Thực hiện Quyết định số 2406/2016/QĐ-UBND ngày 19/10/2016 về Quy chế khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ tại Lưu trữ lịch sử; Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 23/02/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong tháng 5/2017 và kỷ niệm 62 năm ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2015); Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 23/02/2017 của UBND thành phố về tổ chức Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2017; Công văn 2036/UBND-VH ngày 14/4/2017 của UBND thành phố về việc phê duyệt Chương trình chi tiết các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn trong tháng 5 năm 2017, kỷ niệm 62 năm Ngày giải phóng Hải Phòng và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng năm 2017,
Ngày 10/5/2017 Tại Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố, Sở Nội vụ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao tổ chức triển lãm tài liệu lưu trữ với chuyên đề
"Hải Phòng đổi mới sau 62 năm giải phóng (1955-2017) và 60 năm Bác Hồ về thăm Hải Phòng lần 3 (1957-2017) qua tài liệu lưu trữ”. Tài liệu trưng bày, triển lãm gồm:
- Một số tài liệu liên quan đến việc thành lập thành phố Hải Phòng;
- Hơn 200 hồ sơ tài liệu về tiếp quản, giải phóng Hải Phòng: văn bản bàn giao giữa ta và Pháp (văn bản tiếng Việt và tiếng Pháp)
+ Tiếp quản tỉnh Kiến An.
+ Tiếp quản các đơn vị Sở, ngành.
+ Tiếp quản một số trường tiêu biểu.
- Hải Phòng xây dựng và phát triển: xây dựng chính quyền thành phố
- Hồ sơ xây dựng cơ bản, quản lý đô thị; giao thông vận tải; các khu đô thị mới
- Một số ngành kinh tế, xã hội trọng điểm: công nghiệp; nông nghiệp; thương mại; giáo dục - đào tạo; y tế, văn hoá… và một số hồ sơ cán bộ đi B thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn.
- Gần 11 ảnh Bác Hồ về thăm thành phố Hải Phòng lần thứ 3; 39 ảnh về Hải Phòng xưa và Hải Phòng ngày nay đổi mới và phát triển.
Thông qua tài liệu được lưu trữ, bảo quản, phát huy giá trị tại kho lưu trữ của Chi cục Văn thư - Lưu trữ thuộc Sở Nội vụ đã giới thiệu, người xem triển lãm sẽ có những giây phút trở lại với Hải Phòng xưa qua những chặng đường vất vả, chông gai, thử thách nhưng cũng vô cùng vẻ vang của thành phố Cảng thân yêu. Đây là những sử liệu quan trọng đối với công tác quản lý, công tác nghiên cứu lịch sử Hải Phòng.
Thành phố Hải Phòng được thành lập ngày 19/7/1888. Sau nhiều lần thay đổi đơn vị hành chính, ngày 27/10/1962 Quốc hội nước VN dân chủ cộng hòa khóa II, kỳ họp thứ năm đã ban hành Quyết nghị phê chuẩn việc hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là thành phố Hải Phòng. Chính vì vậy, Hải Phòng được coi là thành phố trẻ, được hình thành và phát triển trên cở vùng đất “phên dậu” phía Đông của đất nước, là một thành phố cảng, thành phố công nghiệp nằm trong vùng duyên hải Bắc Bộ, là đầu mối giao thông đường biển, có vị trí quan trọng về kinh tế, xã hội, công nghệ thông tin và an ninh - quốc phòng. Trong toàn bộ tiến trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, Hải Phòng là vùng đất in đậm dấu ấn lịch sử chống giặc ngoại xâm phương Bắc với những chiến công trên sông Bạch Đằng: Trận Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền; trận Bạch Đằng năm 981 của Lê Hoàn; trận Bạch Đằng năm 1288 của Trần Hưng Đạo... Thời kỳ đấu tranh cách mạng, Hải Phòng cũng diễn ra nhiều cuộc bãi công, đấu tranh của công nhân chống lại sự áp bức dân tộc và giai cấp của thực dân tư bản Pháp. Với lợi thế có cảng biển, Hải Phòng là một trong những cửa ngõ giao lưu quan trọng giữa nước ta với nước ngoài, nên đây chính là nơi đầu tiên đón nhận báo Thanh niên, tác phẩm Đường Kách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để truyền bá và kết hợp Chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, góp phần nối phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới.
Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao tầm quan trọng của Hải Phòng với vị thế là “Cảng lớn của Bắc Kỳ”, đầu mối giao thông quan trọng trên đường hàng hải quốc tế và là một trung tâm công nghiệp của miền Bắc và cả nước. Tất cả các lĩnh vực công tác cách mạng ở Hải Phòng đều được Người quan tâm chỉ đạo. Tất cả các giai cấp và tầng lớp nhân dân: công nhân, nông dân, bộ đội, trí thức, thanh niên, phụ nữ, phụ lão và các em nhỏ Hải Phòng đều nhận được sự chăm sóc ân cần của Người. 9 lần về thăm, làm việc, chỉ đạo phong trào cách mạng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng:
Lần thứ nhất (ngày 20-10-1946): Sau 4 tháng 20 ngày thăm Cộng hòa Pháp, Bác Hồ trở về nước, đặt chân lên bến Ngự - Cảng Hải Phòng. Trước khi về Thủ đô Hà Nội vào ngày hôm sau để cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo đất nước bước vào cuộc chiến đấu, Người dành thời gian làm việc, chỉ đạo, thăm hỏi và động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân thành phố.
Lần thứ 2 (ngày 2-6-1955): Sau khi Hải Phòng được giải phóng, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với đại biểu nhân dân thành phố. Bác đã đến thăm một số đơn vị bộ đội làm nhiệm vụ bảo vệ bờ biển tại Hải Phòng.
Lần thứ 3 (ngày 30-5-1957): Bác Hồ về thăm một số cơ sở kinh tế quan trọng của thành phố như: Cảng Hải Phòng, Nhà máy Xi măng Hải Phòng, Quân y viện 7
, Trường Nhi đồng miền Nam; nói chuyện với đại biểu nhân dân thành phố và các chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Hải Phòng.
Lần thứ 4 (ngày 31-3 và ngày 1-4-1959): Bác Hồ về thăm đảo Cát Bà, Cát Hải và nhiều đảo khác trong vùng biển Đông Bắc. Người quan tâm tới việc xây dựng tình đoàn kết giữa người Việt và người Hoa, tổ chức bình dân học vụ, xóa mù chữ, bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.
Lần thứ 5 (ngày 10-1-1960): Bác Hồ về thăm và đón đoàn kiều bào đầu tiên của ta từ Thái Lan về nước qua Cảng Hải Phòng
Lần thứ 6 (ngày 18-1-1960): Bác Hồ về thăm Đảng bộ, đồng bào và nông dân tỉnh Kiến An. Nói chuyện với đại biểu các tầng lớp nhân dân, Bác chỉ đạo củng cố hợp tác xã, tăng gia sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy hoạt động tiểu thủ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thực hành tiết kiệm, công tác xây dựng Đảng, chính quyền.
Lần thứ 7 (ngày 16-3-1961): Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy cơ khí Duyên Hải.
Lần thứ 8 (ngày 22-1-1962): Bác Hồ cùng anh hùng phi công Liên xô Giéc-man Ti-tốp về thăm Hải Phòng, ân cần thăm hỏi và chúc đồng bào, chiến sĩ ta ăn tết vui vẻ và tiết kiệm.
Lần thứ 9 (ngày 23-1-1963): Bác cùng Chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc về Hải Phòng và đến thăm Bệnh viện hữu nghị Việt – Tiệp và Trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Tại đây, Người yêu cầu người thầy thuốc phải nhớ thực hiện “Lương y như từ mẫu”, thái độ đối với người bệnh phải vui vẻ, niềm nở.
Trong mỗi chuyến về thăm Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều dành thời gian đến thăm từng nhà máy, xí nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp, thăm hỏi các cụ già, em nhỏ, nhắc nhở mọi người đoàn kết phấn đấu, phát huy truyền thống “Trung dũng”, quyết thắng trong các nhiệm vụ mới, xây dựng Hải Phòng thành “Thành phố gương mẫu của nước ta”.
Thực hiện lời dạy của Người, cán bộ, đảng viên, quân và dân thành phố đã phát huy truyền thống “trung dũng, quyết thắng”, quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới và Cương lĩnh của Đảng, Đảng bộ, quân và dân thành phố đã nhận thức ngày càng đầy đủ hơn vị thế, tiềm năng, lợi thế, đề ra chiến lược phát triển thành phố trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Hải Phòng là xuất xứ của thiết chế dân chủ cơ sở: dân biết, dân làm, dân kiểm tra; là nơi khởi nguồn triển khai cơ chế khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp.
Khoán mới trong nông nghiệp tạo nên sức sống mới cho nông nghiệp, xuất hiện những cánh đồng cao sản trên đồng đất Hải Phòng.
Phong trào “ngói hóa”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã tạo nên hàng loạt các công trình. Công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, văn hóa, y tế, giáo dục từng bước làm thay đổi bộ mặt đô thị Hải Phòng.
Chặng đường 62 năm qua của thành phố Cảng đầy ắp các sự kiện lịch sử hào hùng. Trong suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân dân Hải Phòng cùng với đồng bào cả nước luôn hướng về tiền tuyến lớn miền Nam, chi viện đến mức cao nhất sức người, sức của, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thực hiện thống nhất nước nhà:
Là thành phố Cảng lớn nhất miền Bắc, tiếp nhận phần lớn hàng viện trợ quốc tế, đồng thời chuyển đi các chiến trường hàng viện trợ của nhân dân tiến bộ và yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Và là điểm xuất phát của những “con tàu không số” đã tạo nên "đường Hồ Chí Minh trên biển" nên giặc Mỹ đã không từ thủ đoạn nào để đánh phá và phong toả ác liệt, mưu đồ huỷ diệt một đầu mối giao thông vận tải, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, Hải Phòng đã chiến đấu quả cảm, mưu trí, phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân đánh thắng chiến tranh phá hoại và bao vây phong toả Cảng của không quân và hải quân Mỹ, giữ vững mạch máu giao thông, tiếp nhận, vận chuyển hàng chục triệu tấn trang thiết bị quân sự, hàng hoá phục vụ các chiến trường. Công nghiệp phục vụ chiến tranh. Chi viện sức người, sức của cho chiến trường.
30 năm đổi mới (1986-2016), Đảng bộ, nhân dân thành phố đã phát huy cao độ truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết, nhất trí, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu,“giành được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên những chuyển biến tích cực và sâu sắc trên nhiều lĩnh vực”.
Thành phố Hải Phòng đã cùng cả nước từng bước ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội trong nửa cuối những năm 80, những năm 90 của thế kỷ XX, mở ra thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết số 32 của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu quan trọng , tạo bước chuyển biến tích cực và sâu sắc trên nhiều lĩnh vực.
Nền kinh tế Hải Phòng luôn duy trì tốc độ tăng trưởng liên tục, khá cao và ổn định. Một số ngành công nghiệp truyền thống như đóng tàu, dịch vụ vận tải hàng hóa thông qua Cảng có bước phát triển nhanh và ngày càng hiện đại. Hải Phòng đang vươn lên trở thành một trong những trung tâm sản xuất thép, cơ khí siêu trưởng, siêu trọng.
Tiềm lực kinh tế thành phố được nâng lên, quy mô kinh tế được mở rộng, GDP năm 2016 tăng 11% so với cùng kỳ và là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây, gấp 1,7 lần bình quân chung của cả nước. Hầu hết các ngành, lĩnh vực tăng cao so với cùng kỳ như: chỉ số sản xuất công nghiệp (là mức tăng cao nhất từ năm 2008 trở lại đây, gấp hơn 2 lần bình quân chung của cả nước), tổng số vốn đầu tư toàn xã hội, tổng kim ngạch xuất khẩu, sản lượng hàng hóa qua cảng, thu hút khách du lịch. Thu hút nhiều dự án đầu tư nhất từ trước tới nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ đầu nhiệm kỳ đến nay ước gấp 1,5 lần tổng vốn FDI của những năm trước cộng lại. Trong đó, có nhiều dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ cao đến từ các tập đoàn lớn, có uy tín trên thế giới. Không gian kinh tế thành phố được mở rộng, thị trường xuất khẩu vươn tới 118 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đã có được những nhận thức mới về con đường phát triển cho Hải Phòng. Kinh tế thành phố đang đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch đúng hướng; phát huy ngày cànghiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố cảng.
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng được quan tâm, đầu tư mới, đầu tư mới, đồng bộ hơn. Đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, Cầu-đường Tân Vũ-Lạch Huyện; Cảng hàng không quốc tế Cát Bi…Hải Phòng có 5 khu công nghiệp đầu tư phát triển nhiều ngành nghề, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Tạo thế và lực mới để Hải Phòng có bước phát triển bứt phá trong những năm tới.
Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, phát triển và quản lý đô thị có tiến bộ; quy mô đô thị được mở rộng, việc nâng cấp, chỉnh trang đô thị được quan tâm, đã góp phần thay đổi rõ nét diện mạo đô thị theo hướng xanh, văn minh, hiện đại và có bản sắc.
Công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn được tập trung chỉ đạo, chuyển biến rõ nét; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay, đời sống của nông dân được cải thiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ giới hóa đồng bộ sản xuất nông nghiệp thu được kết quả bước đầu. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, quản lý và bảo vệ môi trường được quan tâm.
Văn hóa, xã hội có chuyển biến tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao; nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa đa dạng được tổ chức góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân thành phố, đặc biệt là Lễ hội Hoa phượng đỏ-một lễ hội thường niên và giàu bản sắc địa phương.
Giáo dục đào tạo phát triển toàn diện cả về quy mô và chất lượng, thành phố Hải Phòng là địa phương duy nhất trong cả nước 20 năm liên tục có học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế. Tiềm lực khoa học và công nghệ được nâng lên. Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có chuyển biến tiến bộ. Công tác giảm nghèo, chăm sóc người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội luôn được quan tâm thực hiện.
Chương trình cải cách hành chính được đẩy mạnh. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện dân chủ ở cơ sở, đã thu được những kết quả bước đầu tích cực.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai toàn diện. Hoạt động của các cấp chính quyền tiếp tục được đổi mới, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành được nâng lên. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo nên những chuyển biến mới trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Quốc phòng-an ninh được củng cố, giữ vững.
Chủ động thực hiện và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, toàn Đảng bộ, quân và dân thành phố từng bước vượt lên khó khăn, xây dựng thành phố mở về kinh tế. Với cơ chế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước, các thành phần kinh tế đều phát triển, chặn đứng sự sa sút. Nền kinh tế thành phố bắt đầu có sự chuyển dịch về cơ cấu, một số lĩnh vực tăng trưởng khá nhanh, hợp tác đầu tư nước ngoài được mở rộng, kinh tế đối ngoại đang trên đà phát huy mũi nhọn. Giá trị tổng sản lượng bình quân đều tăng, nông nghiệp tăng nhanh cả về sản lượng và chất lượng, chính sách khuyến nông đã làm nên những cánh đồng cao sản. Nhiều dự án liên doanh với nước ngoài đã làm sống dậy nhiều ngành công nghiệp như da giày, may mặc, bao bì…Hoạt động Cảng Hải Phòng ngày càng nhộn nhịp, lượng hàng hóa qua Cảng Hải Phòng tăng hàng năm. Kinh tế, khoa học, công nghệ từng bước phát triển. Đời sống nhân dân càng ngày càng khấm khá. Quốc phòng an ninh được đảm bảo, giữ vững, chính trị, xã hội ổn định. Cuộc đấu tranh bài trừ tệ nạn tham nhũng, buôn lậu và các tệ nạn khác đã có chuyển biến tích cực. Vai trò lãnh đạo của Đảng được nâng lên, hiệu lực quản lý Nhà nước và hoạt động của các đoàn thể ngày càng được phát huy. Chương trình
“xóa đói giảm nghèo”, “khuyến khích làm giàu chính đáng” đã triển khai có hiệu quả, mang lại niềm tin trong nhân dân vào sự nghiệp đổi mới. Những dự án nâng cấp, xây dựng mới quốc lộ 5, quốc lộ 10, sân bay Cát Bi, đường xuyên đảo, cầu Tiên Cựu, đường Lê Hồng Phong, công viên An Biên, tòa nhà Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc tế Hải Phòng…đã được hoàn thành và đưa vào phục vụ đời sống.
Ngày 9 tháng 5 năm 2003, Hải Phòng vinh dự được Chính phủ công nhận là đô thị loại I.
Với nhiều tiềm năng và lợi thế mới, chắc chắn Hải Phòng sẽ thúc đẩy nhanh tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đến 2020 cơ bản trở thành thành phố
“công nghiệp, văn minh, hiện đại”.Với những thành tích chiến công xuất sắc, Hải Phòng đã 3 lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và được Bác tặng thưởng cờ luân lưu
"Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", được Nhà nước phong tặng danh hiệu
"Anh Hùng lực lượng vũ trang nhân dân"; Đảng bộ quân dân thành phố đã được tăng danh hiệu
“Trung dũng - quyết thắng”; cùng với các phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương độc lập hạng nhất, Huân chương kháng chiến hạng nhất, Huân chương chiến công hạng nhất. Năm 2015 được Nhà nước tặng và truy tặng 35 Huân chương kháng chiến các hạng. 124 Huy chương kháng chiến các hạng cho các tập thể, cá nhân, 01 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 24 tập thể, 08 cá nhân anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Huân chương độc lập cho 26 tập thể và 8 cá nhân. Huân chương Lao động cho 88 tập thể, 100 cá nhân, cờ thi đua cho 66 tập thể; anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến cho 24 tập thể, 05 cá nhân; Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho 2 tập thể; chiến sĩ thi đua toàn quốc cho 3 cá nhân. Bằng khen của Thủ tướng chính phủ cho 101 tập thể 131 cá nhân. Nhà nước đã phong tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" cho 907 bà mẹ của Hải Phòng.
Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ có hiệu quả của các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; sự hợp tác, hỗ trợ của các tỉnh, thành phố bạn và bạn bè quốc tế; Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang thành phố nhất định sẽ phát huy cao độ truyền thống vẻ vang của 62 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành; quyết tâm nắm vững thời cơ, vượt qua thách thức, viết tiếp những trang sử mới sáng ngời, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ thành phố, đất nước.
Hôm nay, Sở Nội vụ tổ chức triển lãm nhân ngày kỷ niệm 62 năm Hải Phòng giải phóng và lễ hội hoa phượng đỏ năm 2017 nhằm giúp chúng ta cùng nhau ôn lại chặng đường lịch sử của thành phố Hải Phòng qua tài liệu lưu trữ
. Mỗi trang tài liệu, mỗi kho lưu trữ là những trang sử vàng của thành phố, của dân tộc. Ôn lại truyền thống vẻ vang, tăng thêm niềm tự hào về những
"Pho lịch sử bằng vàng" của thành phố “
Trung dũng - Quyết thắng”, đoàn kết năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; khẳng định những thành tựu to lớn của Đảng bộ, quân và dân thành phố trong 62 năm chiến đấu, xây dựng và bảo vệ thành phố; giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao niềm tự hào dân tộc; động viên, cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thành phố hưởng ứng thực hiện tốt Chủ đề năm 2017
“Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách - Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”; tổ chức thành công Lễ hội Hoa Phượng đỏ - Hải Phòng năm 2017; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
“Ôn lại truyền thống là góp phần khơi thông dòng chảy liên tục của lịch sử quá khứ, hiện tại tương lai" như lời
Đ/c cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát biểu tại hội nghị TW 5 Khoá VI.Để truyền thống vẻ vang của thành phố Hải Phòng anh hùng mãi mãi là dòng chảy vô tận mỗi chúng ta phải không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, học tập, công tác tốt...góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vì mục tiêu
"Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tiến bước vững chắc trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội"./.Tài liệu tham khảo: 1. Hải Phòng nửa đầu chiến đấu xây dựng và phát triển, Hải Phòng, 2005.
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hải Phòng và phong trào thực hiện di chúc của Bác, Hải Phòng, 2000.
3. Hải Phòng làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hải Phòng, 2015